Các nhà khoa học ở Đại học California, Mỹ, cho rằng việc tăng cân kéo dài trong thời kỳ sau sinh có thể không liên quan nhiều đến sự lưu lại chất béo hình thành trong thai kỳ, mà do quá trình trao đổi chất đã được lập trình lại. Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm với việc cho những con chuột thí nghiệm ở nhóm chính mang thai được ăn thức ăn béo. Và những con chuột này tăng cân nhiều hơn nhóm đối chứng. Nhưng sau khi sinh con, chúng nhanh chóng giảm cân.
Tuy nhiên, ngay cả với chế độ ăn bình thường, 3 tháng sau khi sinh con, chuột cái trong nhóm chính bắt đầu tăng cân nhiều hơn. Thậm chí cả 9 tháng sau khi sinh con, cân nặng của những con chuột mẹ này đã vượt gấp đôi trọng lượng của chuột cái trong nhóm đối chứng.Tốc độ trao đổi chất ở nhũng con chuột cái trong nhóm chính đã bị chậm lại. Điều này giải thích sự tích tụ của các lớp chất béo (tế bào mỡ trắng).
Sở dĩ như vậy phần lớn là do nền nội tiết tố. Nồng độ estrogen trong máu của những con cái trong nhóm chính và nhóm đối chứng sau khi sinh là như nhau. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã quan sát thấy hoạt tính tín hiệu estrogen giảm đáng kể trong các tế bào mỡ trắng và nâu ở những con cái trong nhóm chính. Rõ ràng, điều này là do quá trình đổi mới các tế bào mỡ đã bị ức chế.
Các tác giả của công trình nghiên cứu cho biết những phát hiện của họ, nếu được xác nhận ở người, có thể đưa ra lời giải thích cho tình trạng có nhiều phụ nữ bị béo phì hơn đàn ông.Theo thống kê năm 2015 của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, phụ nữ đã vượt qua đàn ông về tỷ lệ béo phì. Có 38% phụ nữ trưởng thành ở Mỹ được coi là béo phì, trong khi tỷ lệ đó ở đàn ông là 34%. Nhiều số liệu thống kê gần đây còn cho thấy tỷ lệ cao hơn ở mức 41% và 38 % theo thứ tự tương ứng. Dữ liệu lâm sàng đã chứng minh rằng béo phì là nguy cơ đáng kể cho sức khỏe người mẹ trong cuộc sống sau này, bao gồm bệnh tim mạch và tiểu đường.